Ngày 16-2, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình sản xuất với nhiều tin vui đầu năm, cung cầu dịp Tết và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì.
Thông tin tại cuộc họp, cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết: trong tháng 1-2024, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và chỉ có 3 địa phương giảm trên cả nước.
Sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại đều khởi sắc
Các tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai…
Trong khi đó, các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP thấp nhất là Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La…
Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 524.100 tỉ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá.
Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Bình Định…
Thương mại tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi. Kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 64,22 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu ước đạt 33,57 tỉ USD, tăng 42%, nhập khẩu ước đạt 30,65 tỉ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỉ USD.
Xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc so với cùng kỳ năm trước, theo đánh giá của Bộ Công Thương là nhờ phục hồi ổn định về xuất khẩu của hàng điện tử, cùng sự tăng trưởng đáng kể trở lại của xuất khẩu dệt may, máy móc và đồ gỗ.
Cung ứng hàng hóa cho Tết được đánh giá là đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Ông Hà Vũ Sơn – giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ – cho biết chỉ một số mặt hàng có giá biến động nhẹ từ 5 – 10%, song sức mua giảm từ 5 – 7%.
Chia sẻ tin vui doanh nghiệp Trung An lần đầu xuất khẩu gạo sang Malaysia, nhiều đơn vị đã nhận được đơn hàng của Hàn Quốc đến hết năm 2024, ông Sơn kiến nghị bộ thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với các tham tán thương mại để thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để xuất khẩu thủy sản, gạo…
Tập trung tháo gỡ doanh nghiệp, khơi thông điểm nghẽn
Đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn hàng cho Tết và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng nguồn hàng dồi dào, sản xuất đã có tín hiệu khởi sắc trở lại.
Tuy vậy, ông cho rằng còn tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không ổn định, nhất trên môi trường thương mại điện tử.
Thêm nữa, trong sản xuất công nghiệp, lưu thông phân phối còn những khó khăn vướng mắc do quy định, thủ tục rườm rà, các rào cản thương mại mới. Như trong xuất nhập khẩu đang chịu nhiều quy định như sản xuất carbon thấp, thuế tối thiểu toàn cầu, chế độ trách nhiệm giải trình… Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn tồn tại, đặc biệt lĩnh vực nông, lâm thủy sản…
Dù đánh giá sản xuất công nghiệp, thương mại đã phục hồi tăng trưởng tốt, nhưng diễn biến thời gian tới còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị thế giới, tư lệnh ngành công thương cho rằng nhiệm vụ đặt ra là thách thức không nhỏ.
Ông Diên yêu cầu các đơn vị phấn đấu đạt các mục tiêu sản xuất, kinh doanh và rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ.
Tập trung tái cơ cấu lại ngành công thương, thực hiện hiệu quả các quy hoạch quốc gia, quy hoạch địa phương, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để nâng chất lượng xuất khẩu.
Chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện, không để đứt gãy và thiếu hụt trong mọi tình huống. Tập trung giúp đỡ, hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các FTA, xuất khẩu chính ngạch, xây dựng thương hiệu hàng Việt; đấu tranh chống hàng gian, hàng giả…
Hỗ trợ khuyến khích phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại truyền thống, đưa thương hiệu Việt vào hệ thống bán lẻ, không để thương hiệu nước ngoài lấn át thương hiệu Việt.
“Hội nhập không chỉ đo đếm bằng số các dự án FDI, càng không phải đo đếm bằng số các FTA được ký, hay tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm. Các chỉ số này là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chỉ số nội lực của nền kinh tế đất nước, khả năng của các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Có như vậy, nền kinh tế của chúng ta mới tăng nhanh và bền vững”, ông Diên nhấn mạnh.